Trương Phương Bình, sống ở Nam Kinh dưới thời Bắc Tống, là người khoan dung nhân hậu và trọng lễ nghĩa. Ông luôn giữ vững tiết tháo cao thượng và rất tin tưởng vào Thần Phật. Là người có phong cách cao nhã và độ lượng, ông luôn được nhiều người kính trọng.
Vào mùa thu năm 1054 sau Công nguyên, tức năm Chí Hòa thứ nhất đời vua Tống Nhân Tông, có một tin đồn ở vùng Tứ Xuyên truyền đến rằng quân địch đang sắp sửa xâm phạm biên giới. Quân sĩ đóng nơi biên cương tỉnh Tứ Xuyên nửa đêm được tin vô cùng kinh hãi, trăm họ đều tháo chạy, đạo tặc nổi lên khắp nơi, trật tự xã hội trở nên đại loạn.
Khi tin tức truyền đến kinh thành ở Khai Phong, cả triều đình từ trên xuống dưới đều chấn động kinh hãi. Tống Nhân Tông phải tìm người chủ soái để phái đi dẹp loạn, bèn nói với triều thần: “Đừng gây nên họa loạn, cũng đừng khiến nó trở thành sự biến. Dẫu rằng tin đồn trong dân chúng có tới tấp đi nữa, nhưng chủ ý của Trẫm đã định, họa xâm lăng chưa chắc là sẽ đến, chỉ sợ sự biến nổi lên từ nội bộ mà thôi. Sự việc này cần giải quyết theo cả hai cách là ‘nhu văn’ và ‘võ công’. Trẫm cần một hoặc hai vị đại thần đi xử lý chuyện này một cách khéo léo. Ai có khả năng làm nổi sự việc này, Trẫm sẽ phái người đó đi chiêu an quân dân của Trẫm”. Mọi người trong triều đều tiến cử Trương Phương Bình. Tống Nhân Tông đồng ý và phái Trương Công đi. More
From: Dai Phat Thanh Hy Vong (vietsoh.com)